Tâm lý học mới giúp chinh phục áp lực đá phạt đền

Đá phạt đền là đối mặt với áp lực, nhưng một nghiên cứu tâm lý mới có thể giúp cầu thủ vượt qua…

Đá phạt đền, hay loạt sút luân lưu là một cuộc chơi mà thực tế phũ phàng là có thể biến những giấc mơ thành cơn ác mộng. Chỉ một cú đá, một thời khắc thoáng qua trong vài giây, kết quả sẽ khắc tên cầu thủ nào đó vào biên niên sử của nỗi đau tột cùng hoặc vinh quang chói lọi.

Đội tuyển Anh từng có lịch sử đau buồn với những cú sút luân lưu, nhiều lần bị loại ở các giải đấu lớn theo cách đó. Gần nhất, thất bại trước Italy ở chung kết EURO 2020 không chỉ đơn thuần là thất bại mà còn dẫn đến một loạt hành vi phân biệt chủng tộc nhắm vào Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka, những người đá hỏng lượt sút của họ.

Với nhiều người, viễn cảnh về cuộc kiểm tra thần kinh và sự tập trung này gây ra cảm giác sợ hãi.

Vào thời điểm đó, sức nặng mà niềm hy vọng của cả quốc gia đặt lên vai họ, một gánh nặng to lớn đến mức ngay cả những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm chiến đấu nhất cũng có thể sụp đổ.

Vậy các cầu thủ trẻ có thể làm gì để tăng cường khả năng thư giãn?

Đá phạt đền là một cuộc chiến tâm lý với áp lực nghìn cân. Ảnh: Chụp màn hình

Max, một tiền đạo trẻ đầy triển vọng, người có trận ra mắt quốc tế đã phải trải qua loạt sút luân lưu định mệnh, chia sẻ: “Tiếng hò reo của đám đông im bặt khi tôi đi từ vòng tròn giữa sân đến chấm phạt đền. Điều duy nhất tôi có thể nghe thấy là tiếng tim đập thình thịch, ngày càng to hơn theo từng bước đi. Sau đó, tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng của mình”.

Trong khoảnh khắc đó, thói quen được xây dựng cẩn thận mà Max đã mài giũa qua vô số giờ luyện tập đã tan biến, thay vào đó là cảm giác không chắc chắn và nghi ngờ một cách điên cuồng.

Tâm trí anh quay cuồng, nhớ lại những lần bỏ lỡ trong quá khứ và tưởng tượng những dòng tít gay gắt tiếp theo. Anh cố gắng suy nghĩ những điều tích cực, nhưng càng cố gắng càng cảm thấy tồi tệ hơn. Với một cú vung chân nặng nề, bóng đi chệch cột dọc và tim Max chùng xuống…

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Plymouth đã nhận thấy sự cần thiết phải can thiệp tâm lý vào thể thao – một cách trang bị cho các cầu thủ khả năng phục hồi tinh thần để chịu được áp lực to lớn của loạt sút luân lưu.

Đào tạo hình ảnh chức năng (FIT) là một phương pháp sáng tạo kết hợp tự vấn tạo động lực, đặt mục tiêu và hình ảnh đa giác quan. Nó đã được chứng minh là có hiệu quả thực hiện quả đá phạt đền gấp 5 lần so với việc rèn luyện các kỹ năng tinh thần truyền thống như những lời nói tích cực.

Thành công khi đá phạt đền có thể chạm đến vinh quang... Ảnh: UEFA

Hình ảnh đa giác quan là về việc cầu thủ sử dụng trí tưởng tượng của mình để hình dung, diễn ra các tình huống và kiểm soát cảm xúc. Điều này cho phép họ chuẩn bị cho thành tích thông qua thói quen tư duy có cấu trúc.

Thông qua FIT, các cầu thủ học cách tưởng tượng một cách sống động mọi khía cạnh trong màn trình diễn của họ, từ khung cảnh và âm thanh của sân vận động cho đến cách họ có thể kiểm soát sự lo lắng của mình vào lúc đó.

Họ phát triển một thói quen được cá nhân hóa: tưởng tượng cảm giác và trọng lượng của quả bóng trong tay, quỹ đạo chính xác mà họ muốn nó di chuyển, giữ bình tĩnh và kiểm soát hơi thở cũng như cảm giác quả bóng rời khỏi chân họ – tất cả trong khi luyện tập một cách sâu sắc ý thức về mục đích và động lực.

... hoặc nỗi đau tột cùng vì thất bại. Ảnh: UEFA

Hãy tưởng tượng Max được trang bị các công cụ của FIT, dựa theo thói quen cá nhân hóa của anh. Trong lúc bước đi, anh tĩnh tâm lại, tưởng tượng mình bước tới chấm trắng, gánh nặng hy vọng của đất nước đè lên vai. Anh nghe thấy tiếng gầm rú của đám đông, cảm nhận được sự căng thẳng trong cơ bắp.

Nhưng thay vì nghi ngờ và sợ hãi, tâm trí Max tràn ngập một quyết tâm không lay chuyển. Anh kiểm soát hơi thở, thả lỏng vai, tập trung vào khung thành, thấy mình sút bóng chính xác, quan sát nó găm vào lưới và duy trì sự bình tĩnh.

Quá trình diễn tập tinh thần sống động này trở thành một cách để duy trì hoặc bước vào trạng thái trôi chảy, giúp cầu thủ có thể tận hưởng khoảnh khắc đó.

Tất nhiên, không thiếu trở ngại trong quá trình tập luyện, như trở ngại từ “bóng ma quá khứ” hoặc “khả năng tưởng tượng”. Nhưng vẫn có cách để rèn luyện, giúp cầu thủ bước vào cú sút phạt đền của mình với việc toàn quyền kiểm soát suy nghĩ, biến sự lo lắng, nghi ngờ thành sự tập trung, quyết tâm…

Nguồn: Laodong.vn