Không kể đến những đội tuyển được đánh giá cao, chiến thuật của các đội bóng tầm trung như Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Áo đã khiến EURO 2024 trở nên đáng xem hơn.
EURO 2024 không diễn ra theo kịch bản bất ngờ như cơn địa chấn của Hy Lạp năm 2004 hay Đan Mạch năm 1992. Tuy nhiên, các đội tuyển tầm trung đã làm cho các trận đấu trở nên hấp dẫn hơn với lối chơi tham vọng và có cơ sở về chiến thuật.
Đội tuyển Thụy Sĩ đã vượt qua vòng bảng trong 5 giải đấu lớn gần nhất và tiếp tục làm được điều đó tại EURO 2024. Tứ kết là giai đoạn xa nhất họ từng đạt được trong một kỳ EURO hay World Cup. Dẫu vậy, chiến dịch trên nước Đức đã cho thấy bản lĩnh của Granit Xhaka và đồng đội khi họ chỉ nhận thất bại tại loạt sút luân lưu trước đội tuyển Anh.
Trong trận đấu với “Tam sư”, đội bóng của Murat Yakin không chọn lối chơi phòng ngự chiều sâu. Thay vì đó, Thụy Sĩ luôn cố gắng kiểm soát bóng và đã nắm thế chủ động trong nhiều thời điểm ngay khi có bàn thắng mở tỉ số. Đội hình của họ thường ưu tiên về chiều rộng với khả năng chuyền bóng tốt của hàng phòng ngự và tiền vệ trung tâm Granit Xhaka.
Sự chủ động của Thụy Sĩ đã làm cho trận đấu trở nên hấp dẫn hơn và cải thiện cơ hội của họ so với việc chỉ phòng ngự trong sơ đồ 5-4-1. Điều này cũng diễn ra trong 4 trận đấu trước đó giữa Italy, Đức, Scotland và Hungary.
Sự luân chuyển bên cánh trái trái giữa hậu vệ Michel Aebischer và tiền vệ Ruben Vargas là điểm nổi bật của thầy trò Murat Yakin. Bên cạnh đó, Aebischer cũng thường xuyên dạt vào trung lộ để hỗ trợ Xhaka và Remo Freuler. Sự hiệu quả đến ngay từ trận ra quân với Hungary khi ngôi sao của Bologna 2 lần di chuyển vào trong để tạo ra cơ hội Kwadwo Duah và cũng tự mình ghi bàn nhân đôi cách biệt.
Giống như Thụy Sĩ, đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ cũng để lại không ít ấn tượng dù cho họ phải dừng chân ở vòng tứ kết. Đoàn quân của Vincenzo Montella đã thể hiện chất lượng kỹ thuật trong khu vực cuối sân. Họ không phải là đội phòng ngự vững chắc nhất nhưng đã đẩy cao 2 hậu vệ cánh để tăng cường mối đe dọa từ các khu vực biên.
Ngoài ra, sự nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ đến ra bất chợt khi họ sử dụng Arda Guler làm tiền đạo ảo và những pha di chuyển không bóng của Baris Yilmaz bên cánh phải. Bộ đôi này đã góp công lớn trong hành trình tiến đến vòng tứ kết.
Bên cạnh đó, đội tuyển Áo cũng đã có một kỳ EURO với những dấu hiệu tích cực. Dù không có ngôi sao sáng giá nhất David Alaba trong đội hình, đoàn quân của Ralf Rangnick vẫn đứng đầu bảng D, vượt mặt các đối thủ rất mạnh như Pháp hay Hà Lan.
“Sau thời gian làm việc với thầy Rangnick, chúng tôi đã có những sự phát triển rõ rệt. Trước đây, đội tuyển chơi khá bị động khi không có bóng và giờ đã thay đổi điều đó. Các cầu thủ trở nên mạnh mẽ hơn, mọi người đều biết phải chuyển đổi và pressing khi để mất bóng.
Đó có lẽ là sự khác biệt lớn nhất, Áo có một huấn luyện viên rất giỏi, ông ấy luôn cho chúng tôi những ý kiến tốt và tạo ra không gian các cầu thủ muốn chơi” – Marcel Sabitzer chia sẻ.
Phong cách trực tiếp và cường độ cao phù hợp với đội hình của Áo khi nhiều người đã từng chơi trong hệ thống của RB Leipzig, nơi Rangnick là kiến trúc sư chiến thuật. Đội tuyển Pháp đã gặp khó khăn trước áp lực của Áo. Sau đó, Ba Lan bị mắc bẫy trong những pha chuyển đổi tấn công nhanh, và hàng phòng ngự của Hà Lan bị xé toạc bởi những pha di chuyển không bóng của Sabitzer và đồng đội.
Không chỉ có Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Áo. Romania, Slovakia và Đan Mạch cũng có những ý tưởng rõ ràng về cách họ muốn chơi khi có hoặc không có bóng, mặc dù kết quả không ấn tượng.
Ngay cả Albania, Slovenia, Ukraina và Gruzia cũng cố gắng chơi theo thế mạnh của từng cá nhân. Điển hình như khả năng sút bóng của Jasir Asani, những pha di chuyển của Benjamin Sesko, khả năng chạm bóng và di chuyển giữa các tuyến của Georgiy Sudakov, hay kỹ năng đi bóng của Khvicha Kvaratskhelia.
Hầu hết các đội tuyển trên đều cố gắng chủ động khi cơ hội xuất hiện. Trên cơ sở tất cả vẫn phải tiếp cận trận đấu với hệ thống phòng ngự trước những đối thủ mạnh nhưng cách tiếp cận tích cực đã giúp họ có cơ hội tiến xa hơn.
Nguồn: Laodong.vn