Ai bảo vệ cầu thủ trẻ trước “cơn bão” tài chính?

Sự cố về tiền bạc liên tục xuất hiện với các cầu thủ trẻ và câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người bảo vệ họ trước rủi ro từ chính “người lớn”.

Ai bảo vệ cầu thủ trẻ trước "cơn bão" tài chính?
Cầu thủ trẻ U19 Khánh Hòa (áo vàng) thi đấu tại vòng chung kết U19 Quốc gia 2024. Ảnh: Khả Hòa

Rủi ro từ chính “người lớn”

Vừa qua, huấn luyện viên Đặng Đạo bị tố giữ thẻ ATM của hàng chục cầu thủ trẻ của U19 Khánh Hòa. Sau đó, Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao Khánh Hòa đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đặng Đạo từ ngày 9.7, theo kiến nghị của Thanh tra Sở Văn Hóa và Thể thao Khánh Hòa.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Thanh tra Sở đang tiến hành thanh tra với quan điểm sẽ xử lý nghiêm, triệt để vụ việc. Kết thúc thanh tra, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển sang cơ quan công an theo thẩm quyền.

Đội U19 Khánh Hòa có 22 cầu thủ. Trong đó, 11 cầu thủ được hưởng chế độ tuyển với mức tiền gần 10 triệu đồng/cầu thủ/tháng; 11 cầu thủ hưởng chế độ trẻ với mức tiền gần 7 triệu/cầu thủ/tháng.

Ở cấp độ cao hơn, tại giải hạng Nhất Quốc gia 2023-2024, cầu thủ trẻ của một đội bóng phía Bắc cũng gặp rắc rối bởi lời hứa của “người lớn”.

Đầu mùa giải, họ được hứa thưởng 150 triệu đồng cho 1 trận thắng, 80 triệu đồng cho 1 trận hòa trên sân khách. Sau đó, mức thưởng này bị giảm đi ở giai đoạn lượt về.

Hiện tại, một số cầu thủ trẻ thi đấu cho đội bóng này dưới dạng cho mượn đều đã được trả về câu lạc bộ chủ quản. Tuy nhiên, họ vẫn bị nợ số tiền thưởng 530 triệu đồng của mùa giải 2023-2024 và 310 triệu đồng ở mùa giải 2023.

Tuy nhiên, khi hỏi lãnh đạo về số tiền thưởng này thì được yêu cầu phải có “quyết định thưởng bằng văn bản”. Điều kì lạ là đội bóng này vẫn thưởng cho cầu thủ 5-6 trận đấu hồi đầu mùa giải như lời hứa, dù không có văn bản nào được nhắc tới.

Cầu thủ trẻ vốn chỉ mong có được cơ hội thi đấu nhiều nhất để hướng tới tương lai ở các sân chơi chuyên nghiệp. Nhưng, điều này không có nghĩa rằng các đội bóng có thể thoải mái áp đặt quyết định tài chính – mà nhiều trong số đó là phi lý với cầu thủ trẻ.

Họ vẫn phải nhận được số tiền xứng đáng với cống hiến, đúng với cam kết mà “người lớn” đã hứa.

Ai bảo vệ cầu thủ trẻ?

Ai là người đứng ra bảo vệ cầu thủ trẻ trước các rủi ro tiền bạc từ chính câu lạc bộ? Câu trả lời là không ai cả.

Khi mọi việc vỡ lở thì sự đã rồi. Với trường hợp ở tuyến trẻ Khánh Hòa, huấn luyện viên Đặng Đạo sẽ xử lý ra sao với số tiền “không cánh mà bay” – là câu chuyện vẫn chờ chính ông này giải đáp.

Trong khi đó, có tin đồn rằng đội bóng hạng Nhất kia sẽ không còn mang tên cũ ở mùa giải tiếp theo. Nếu được tiếp quản bởi đơn vị mới, những khoản tiền nằm ngoài quy chế của đội bóng, được hứa thưởng bằng miệng trong các cuộc họp để úy lạo tinh thần – làm thế nào để đòi được?

Trường hợp này, các cầu thủ có lẽ chỉ biết “ngậm bộ hòn làm ngọt” bởi tiền thưởng vốn là vấn đề tế nhị, không mấy khi được tiết lộ ra ngoài.

Thậm chí, đến các cầu thủ ngôi sao như Hải Huy, Hồng Quân hay Xuân Tú từng khốn đốn với khoản tiền bị Than Quảng Ninh nợ. Cuối cùng, khi đội bóng giải tán, công ty chủ quản dừng hoạt động và không còn khả năng chi trả, họ cũng đành chấp nhận mất đi số tiền mình đáng được hưởng.

Cầu thủ lớn không được bảo vệ và cầu thủ trẻ cũng chung số phận. Nhưng đáng lẽ, “người lớn” cần phải có những biện pháp quản lý phù hợp hơn với các “măng non”…

Nguồn: Laodong.vn