Giọt nước mắt chưa từng có của Djokovic

Novak Djokovic không ngừng khóc sau chiến thắng trước Carlos Alcaraz ở chung kết Olympic 2024.

Giọt nước mắt chưa từng có của Djokovic
Novak Djokovic đã đổi màu huy chương tại Olympic sau 16 năm. Ảnh: Tennis

Đã bao giờ bạn thấy Novak Djokovic khóc? Có thể có, nhưng ký ức đó có lẽ sẽ rất khó để nhớ. Nhưng ngày 4.8.2024 sẽ là một ngày để nhớ về những giọt nước mắt của Djokovic.

Ngay sau cú đánh quyết đoán ấn định tỉ số loạt tie-break trong set 2 trận chung kết đơn nam Olympic 2024, Djokovic thả vợt, làm động tác ăn mừng, quay lại bắt tay Carlos Alcaraz trước khi bắt đầu thả những cảm xúc chưa từng có.

Djokovic quỳ gối, đầu gục vào 2 cánh tay tì xuống đất và bật khóc. Hình ảnh cận cảnh cho thấy toàn thân tay vợt 37 tuổi run lên bần bật. Anh ngẩng mặt lên trời, làm dấu thánh, rồi lại gục xuống.

Về chỗ ngồi, tay vợt 24 lần giành Grand Slam tiếp tục khóc, không thể ngừng. Nhận lá cờ Serbia từ cô bé nhặt bóng, Djokovic tiếp tục khóc, ăn mừng. Chạy lên khán đài, huyền thoại của làng quần vợt thêm một lần nữa bật những cảm xúc cùng ban huấn luyện, người thân.

Không quá nếu nói rằng, trong suốt sự nghiệp, giới mộ điệu chưa từng chứng kiến Nole khóc lâu và cảm xúc như vậy. Và nếu có thể, họ muốn điều đó kéo dài mãi. Vì nó xứng đáng với sự chờ đợi. Xứng đáng với những gì Djokovic đã trải qua.

Như một sự đối nghịch, trong trận chung kết, Djokovic có lần thứ năm tham dự Olympic, trong khi Alcaraz mới lần đầu tiên. Không nói rằng tay vợt người Tây Ban Nha không xứng đáng giành huy chương vàng, nhưng sẽ là quá nghiệt ngã cho sự nghiệp của Djokovic nếu anh không phải người chiến thắng.

Djokovic khóc không ngừng cùng những cảm xúc chưa bao giờ có. Ảnh: Tennis
Djokovic khóc không ngừng cùng những cảm xúc chưa bao giờ có. Ảnh: Tennis

16 năm để đổi màu huy chương. Nói về thời gian, nó thực sự dài. Và nói về sự kiện, người ta sẽ thấy chiều dài còn khủng khiếp hơn thế.

Vì không như các giải Grand Slam diễn ra hàng năm để Djokovic có thể chiến thắng, Olympic 4 năm mới có một lần. Khi Djokovic lần đầu dự Olympic ở Bắc Kinh năm 2008, với tấm huy chương đồng ở tuổi 21 – như Alcaraz hiện tại, hầu hết đều tin rằng, huy chương vàng sẽ sớm đến với anh.

Cùng hàng loạt chiến tích ở ATP Tour, vị trí của Djokovic trong ngôi đền của những huyền thoại sẽ được thắp sáng hơn.

Nhưng rồi, với 1 lần bị loại ngay vòng 1, 2 lần dừng chân ở bán kết, đột nhiên, người ta thấy rằng, Djokovic đã 34 tuổi ở kỳ Olympic gần nhất tại Tokyo cách đây 3 năm. Huy chương vàng không thấy đâu, trong khi góc của Roger Federer và Rafael Nadal vẫn “sáng hơn” khi họ đều đã có huy chương vàng Olympic.

Có niềm tin nào dành cho Djokovic khi đã thua Alcaraz ở chung kết Wimbledon, chấn thương đầu gối phải phẫu thuật, và ra sân với chiếc bó gối? Có, nhưng không nhiều.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Nole vẫn luôn là Nole, với sự điềm tĩnh vượt trội so với Alcaraz, tay vợt trẻ chơi hưng phấn và thể hiện khát khao thắng một cách rõ rệt.

Người ta đã nghĩ, chỉ cần Alcaraz đẩy nhanh tốc độ, Djokovic sẽ gục ngã. Nhưng trong màn “cò cưa”, 33 lỗi tự đánh hỏng của Alcaraz đã phải trả giá.

Còn Djokovic, trong cuộc chiến đó, anh đã dồn hết tất cả – trái tim, linh hồn, cơ thể, gia đình – vào đó để chiến đấu. Với những giá trị đó, chiến thắng đã thổi bùng tất cả.

Cuối cùng, mảnh ghép còn thiếu ở “khu Djokovic” đã được lấp đầy. Mọi sự đố kị về sự thiếu hụt của mình đã được giải tỏa. Sau những giọt nước mắt và cảm xúc lấp đầy sân Philippe Chatrier vào buổi chiều Chủ nhật, giờ thì Djokovic đã có thể nở nụ cười mãn nguyện.

Bảng thành tích trong sự nghiệp của Djokovic

10 lần vô địch Australian Open

3 lần vô địch Roland Garros

7 lần vô địch Wimbledon

4 lần vô địch US Open

7 lần vô địch ATP Finals

8 lần kết thúc năm với vị trí số 1 thế giới

2 lần có Career Golden Masters

1 lần vô địch Davis Cup

1 huy chương vàng, 1 huy chương đồng Olympic

428 tuần đứng số 1 bảng xếp hạng ATP.

Nguồn: Laodong.vn