Không phải lúc nào V.League cũng khép lại trong êm thấm vì những câu chuyện xin, cho điểm.
“Thân cô thế cô” và chuyện xin, cho điểm
Tấm vé xuống hạng V.League 2023-2024 đã xác định chủ nhân cách đây vài vòng đấu, Khánh Hòa không thể bám trụ lại giải bóng đá số 1 Việt Nam. Nhìn những biến cố mà đội bóng phố biển đã trải qua, không mấy bất ngờ khi họ phải xuống chơi ở giải hạng Nhất.
Nhắc đến Khánh Hòa, người hâm mộ lại nhớ về năm 2019. Đội bóng được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Võ Đình Tân cũng chia tay V.League chóng vánh.
Ông Tân khi ấy đưa ra phát ngôn làm “dậy sóng” giải đấu: “Đội của chúng tôi dù trong hoàn cảnh nào đều thi đấu hết mình. Tôi xin khẳng định, xuyên suốt V.League, Khánh Hòa là đội duy nhất đá sòng phẳng. Dù dư điểm hay thiếu điểm cũng không xin điểm của bất kì ai. Tôi xin nói thẳng như vậy và Khánh Hòa tự hào về điều đó”.
Sau đó, ông Tân cũng tiết lộ, Khánh Hòa ở những mùa trước từng nhận được đề nghị cho điểm: “Các mùa giải trước, Khánh Hòa nhiều thời điểm thừa điểm nhưng không thân với các đội cần điểm. Tôi chỉ nói về Khánh Hòa thôi, không nói những đội khác. Còn đội nào trong sạch hay không thì tự họ biết.
Cũng có những lúc chúng tôi bị quây hoặc bị ảnh hưởng khi trọng tài mắc sai sót. Lãnh đạo tuyên bố đá có thể thắng hay thua, có thể xuống hạng, nhưng chỉ cần có chút tiêu cực nào thì nhà tài trợ sẽ bỏ bóng đá ngay tức khắc”.
Câu chuyện xin, cho điểm không phải có duy nhất huấn luyện viên Võ Đình Tân tuyên bố trên báo giới.
Năm 2011, Long An rớt hạng V.League. Ông Phạm Phú Hòa – Giám đốc điều hành câu lạc bộ (thời đó có tên Đồng Tâm Long An) – thừa nhận sai lầm về chuyên môn là nguyên nhân chính. Nhưng ông cũng bật mí một chuyện liên quan đến góc độ xin, cho điểm trên mặt báo lúc bấy giờ. Ông nói có người từng mang cả bao tiền đến gặp xin mua một trận thắng nhưng ông từ chối, đội vẫn đá thắng bình thường như bao trận đấu khác.
Năm 2015, Đồng Nai cũng thất bại trong cuộc đua trụ hạng với Hoàng Anh Gia Lai.
Huấn luyện viên Trần Bình Sự đã chia sẻ sau trận Hoàng Anh Gia Lai thắng Sông Lam Nghệ An tại vòng 22 mang tính bước ngoặt: “45 phút đầu trận là thật, 35 phút sau là giả. Tôi không bất ngờ với kết quả hòa 0-0 ở hiệp 1. Nhưng sang hiệp 2 thì khác.
Bình thường, khi đồng đội ghi bàn, các cầu thủ sẽ chạy đến ăn mừng, hoặc khi bị thổi phạt 11m, các cầu thủ sẽ lao đến phản ứng với trọng tài dù đúng hay sai. Đằng này, khi Sông Lam Nghệ An bị thổi phạt đền, các cầu thủ của họ không phản ứng gì cả. Họ thi đấu hời hợt trong hiệp 2″.
Một chi tiết mà ông Sự thốt lên khi đó giống hệt ông Võ Đình Tân nói về tình cảnh Khánh Hòa năm 2019: “Đồng Nai đơn độc ở V.League. Chúng tôi từ đầu đến cuối thi đấu không có bạn bè. Ra sân là chơi hết mình, năng lực kém thì thua, tôi chấp nhận. Nhưng bóng đá có vấn đề nhường nhịn nhau, tôi rất buồn, người làm bóng đá chân chính, khán giả rất buồn”.
VFF, VPF ứng xử thế nào?
Năm 2015, cố Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Lê Hùng Dũng phát biểu: “Trong bóng đá không phải lúc nào đội mạnh hơn cũng thắng. Nhưng ở Việt Nam, khi điều đó xảy ra, dư luận sẽ lập tức nghi ngờ có tiêu cực, là nhường điểm nhau. Nếu nói trận đấu đó có xin, cho thì phải chứng minh được ai đi xin và ai cho.
Giống như năm ngoái (2014), cơ quan cảnh sát điều tra theo dõi, sau trận đấu trên sân của Than Quảng Ninh đã mời các cầu thủ Đồng Nai nghi tiêu cực lên làm việc ngay tại khách sạn đội ở. Sau khi các cầu thủ này thừa nhận mới có căn cứ để xử.
Các trận đấu mà dư luận nói có mùi tiêu cực vừa qua, cơ quan chức năng đều theo dõi và đến bây giờ chưa có báo cáo nào ghi nhận hiện tượng tiêu cực. Thế thì Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hay VFF xử lí thế nào?
Với khán giả, họ có quyền nói. Nhưng với nhà tổ chức, khi các cơ quan chức năng đánh giá chưa có tiêu cực, chúng tôi chỉ có thể ghi nhận bởi đâu có chứng cứ để xử lí. Nếu chúng tôi xử lí mà không có chứng cứ, đội bóng bị xử lí kiện chúng tôi ra tòa thì sao?”.
Năm ngoái (2023), VFF đã gửi công văn tới VPF, những câu lạc bộ tham dự và thành viên các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia về việc tăng cường công tác giám sát, an ninh để đảm bảo công tác chuyên môn.
Các cầu thủ cần nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, phát huy tinh thần thi đấu trung thực cao thượng, chuyên nghiệp. Những người có vai trò quan trọng trong đội bóng phải ngăn chặn kịp thời mọi biểu hiện tiêu cực, hành vi thiếu trung thực, dàn xếp trận đấu.
Khép lại câu chuyện của mùa giải 2023, VFF và VPF cũng cần tiếp tục có những động thái cứng rắn trong giai đoạn nhạy cảm ở vòng đấu cuối cùng của mùa giải 2023-2024.
Nên nhớ, 3 đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn đua tranh gắt gao trong cuộc đua tránh suất đá play-off trụ hạng. Câu chuyện xin, cho điểm một lần nữa được nhắc đến xoay quanh những màn so tài này.
Hiển nhiên, người hâm mộ muốn được chứng kiến các cuộc đối đầu trung thực thay vì chỉ “kịch tính trên danh nghĩa”. Muốn làm được như vậy, bên cạnh tính minh bạch của cầu thủ, đội bóng thì trách nhiệm và tầm kiểm soát của VFF và VPF cũng phải được nâng lên ở mức độ cao hơn.
Nguồn: Laodong.vn