Vòng 1/8 EURO 2024 và bài học từ những loạt sút luân lưu

Tuyển Đức là đội thực hiện tốt nhất những loạt đá luân lưu trong lịch sử EURO, trong khi đó tuyển Anh, Hà Lan có thành tích ngược lại. Trước thềm vòng 1/8 EURO 2024, tờ Independent của Anh đã có bài phân tích về loạt đấu cân não này.

Lịch sử EURO đã có tổng cộng 22 trận đấu phải định đoạt bằng loạt sút luân lưu. Trong đó có 4 trận vào năm 1996 và 2020. Trong số 232 lượt sút được thực hiện, 178 lượt thành công – tỉ lệ thành công 76,7%. Điều đó phù hợp với các mô hình dữ liệu thường cho biết tỉ lệ thành công dự kiến ​​của một quả phạt đền là 0,76%.

Đá trước hay đá sau sẽ thành công?

Nhiều minh chứng cho thấy, đội đá sau trong loạt luân lưu sẽ gặp bất lợi vì phải chịu thêm áp lực. Nghiên cứu lớn mới nhất về các cú đá phạt đền trong loạt luân lưu bao gồm các giải đấu nam ở bóng đá châu Âu trong 11 năm qua, cho thấy tỉ lệ chiến thắng của đội sút trước trong các quả đá phạt đền là 48,83%. Giáo sư Geir Jordet của Trường Khoa học Thể thao Na Uy cho biết, trước đây tỉ lệ chiến thắng của những đội đá trước trong loạt luân lưu lên đến gần 60%.

Vòng 1/8 EURO 2024 nhiều khả năng sẽ có trận đấu phải phân định thắng thua ở loạt luân lưu 11m. Ảnh: Goal

Cầu thủ hay nhất đội nên đá luân lưu sớm

Nghiên cứu cũng chỉ ra, quả đá đầu tiên trong loạt luân lưu có tỉ lệ thành công cao hơn các quả khác, với tỉ lệ lên đến gần 84%. Nó cũng thường được thực hiện bởi những cầu thủ đáng tin cậy nhất trên chấm 11m. Chẳng hạn, Messi và Mbappe đã thực hiện 2 quả đá đầu tiên trong loạt luân lưu, tại chung kết World Cup 2022.

Khả năng thành công của cầu thủ thứ 2 thực hiện loạt luân lưu của mỗi đội giảm xuống còn 72%. Đặc biệt, có đến 43,26% trường hợp cầu thủ thứ 5 ở đội thực hiện loạt sút luân lưu sau không còn cơ hội làm nhiệm vụ, bởi kết quả khi đó đã an bài. Do đó, việc sử dụng cầu thủ hay nhất đội để thực hiện cú sút luân lưu thứ 5 là điều mạo hiểm.

Cristiano Ronaldo từng không thể thực hiện cú đá luân lưu như dự kiến, khi Bồ Đào Nha thua Tây Ban Nha ở bán kết EURO 2012. Hay Mohamed Salah cũng không có cơ hội đá luân lưu, khi tuyển Ai Cập thua tại chung kết Cúp châu Phi năm 2021.

Chiến thuật khi đá phạt đền

Việc các cầu thủ cố gắng giẫm cỏ xung quanh chấm đá phạt đền, để khiến đối phương bị trượt ngã khi thực hiện là điều đã diễn ra trong các trận đấu. Do đó thời gian gần đây, khi đội được hưởng phạt đền, các cầu thủ sẽ xoay quanh chấm thực hiện để ngăn không cho đối phương đến thực hiện ý đồ xấu.

Một chiến thuật khác diễn ra gần đây là một cầu thủ giữ bóng ở khu vực đá phạt đền, rồi đưa lại cho đồng đội thực hiện vào phút cuối. Jordet nói: “Đó là việc biến hành động sút phạt đền của cá nhân thành màn trình diễn của tập thể”.

Tuyển Anh có thành tích đá luân lưu rất tệ trong lịch sử những kỳ EURO trước đây. Ảnh: UEFA

Cũng có rất nhiều ví dụ về việc thủ môn dự bị hoặc cầu thủ ngoài sân được tung vào sân thay người cuối hiệp phụ, vì họ có thành tích tốt hơn so với những cá nhân trong đội hình xuất phát. Minh chứng cho việc này là trường hợp thành công của thủ môn người Hà Lan Tim Krul ở World Cup 2014 và thủ môn Andrew Redmayne của Australia ở vòng loại World Cup 2022.

Đội nào đá luân lưu tốt nhất EURO?

Lịch sử cho thấy tuyển Đức có thể là đội đá phạt đền tốt nhất châu Âu, khi thắng cả 6 loạt sút luân lưu, kể từ khi thua Tiệp Khắc (cũ) ở trận chung kết EURO 1976 sau loạt đá đấu căng thẳng. Ngược lại, tuyển Anh thường xuyên nhận những thất bại cay đắng trên chấm 11m, khi chỉ có 2 lần thắng, 7 lần thua, trong đó có việc thua Italy ở chung kết EURO 2020. Tuyển Hà Lan cũng có thành tích đá luân lưu tệ không kém, khi có 2 trận thắng, nhưng thua 6 trận.

Chung kết World Cup 2022, chung kết Cúp bóng đá châu Phi 2021, chung kết EURO 2020 và chung kết Copa America 2016 đều được giải quyết bằng loạt sút luân lưu. Dù muốn hay không, loạt sút luân lưu ngày càng trở thành một phần quan trọng của bóng đá, một đặc điểm không thể tránh khỏi của vòng loại trực tiếp trong các giải đấu lớn.

Nguồn: Laodong.vn