Đội tuyển Bồ Đào Nha đã trả giá đắt khi quá phụ thuộc vào Ronaldo

Việc bị loại ở tứ kết EURO 2024 là bài học đắt giá với Roberto Martinez và tuyển Bồ Đào Nha khi cố chấp xây dựng hàng tấn công xung quanh Ronaldo.

Đội tuyển Bồ Đào Nha đã trả giá đắt khi quá phụ thuộc vào Ronaldo

Với thất bại trước đội tuyển Pháp tại tứ kết, Cristiano Ronaldo chính thức khép lại kỳ EURO cuối cùng trong sự nghiệp với kịch bản tiếc nuối. Dù không bật khóc nức nở như tại World Cup 2022 nhưng thủ quân 39 tuổi lộ rõ vẻ buồn bã và thất vọng khi không thể giúp tuyển Bồ Đào Nha tái hiện kỳ tích cách đây 8 năm. Những cảm xúc đó có thể đem đến sự đồng cảm từ người hâm mộ nhưng thể làm lu mờ sự thật Ronaldo là một phần lý do khiến sức mạnh tuyển Bồ Đào Nha bị ảnh hưởng tiêu cực tại EURO 2024.

Dù luôn nỗ lực dứt điểm và tìm kiếm cơ hội nhưng bàn thắng đầu tiên tại EURO 2024 vẫn lẩn tránh CR7. Vậy nếu không thể ghi bàn, dấu ấn của Ronaldo trong màu áo tuyển Bồ Đào Nha là gì? Ngoại trừ đường kiến tạo cho Bruno Fernandes ở trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ, mọi đóng góp của Ronaldo đều bị đánh giá thiếu hiệu quả.

Ronaldo thi đấu thiếu hiệu quả trong màu áo tuyển Bồ Đào Nha tại EURO 2024. Ảnh: The Athletic

Theo thống kê, thủ quân Bồ Đào Nha là cầu thủ thực hiện nhiều cú sút nhất với 22 pha dứt điểm. Tuy nhiên, chất lượng những pha dứt điểm không thực sự ấn tượng, khi chỉ số bàn thắng dự kiến (xG) đạt 2,7. Không chỉ sút nhiều hơn mọi cầu thủ tại EURO 2024, thông số này của Ronaldo còn xếp trên toàn đội Scotland (17 lần dứt điểm). Đáng chú ý, thành tích đáng buồn này của Ronaldo chỉ xếp sau đại kình địch Lionel Messi, khi có 29 cú sút nhưng không ghi bàn thắng nào tại World Cup 2010.

Ở trận tứ kết trước tuyển Pháp, siêu sao 39 tuổi cũng bỏ lỡ cơ hội giúp Bồ Đào Nha vươn lên dẫn trước trong hiệp phụ. Xuất phát từ đường chuyền thuận lợi của Francisco Conceicao ở đáy biên bên phải, Ronaldo đệm bóng hỏng ở khoảng cách hơn 5m dù không bị ai theo kèm. Đó được coi là hình ảnh tiêu biểu cho màn trình diễn của CR7 tại EURO 2024, khi tuổi tác khiến pha xử lý sở trường đã không còn hiệu quả. Theo thống kê, siêu sao của Al-Nassr có trung bình dưới 30 lần chạm bóng/90 phút tại EURO 2024 – con số thấp nhất trong 11 giải đấu quốc tế từng tham dự.

Sự xuất hiện của Ronaldo khiến hàng tấn công Bồ Đào Nha thi đấu thiếu ý tưởng. Ảnh: Opta Analyst

Không chỉ có màn trình diễn đáng thất vọng, sự xuất hiện của Ronaldo còn khiến hàng công tuyển Bồ Đào Nha thi đấu thiếu sự sáng tạo và hiệu quả. Trước Slovenia, “Selecao châu Âu” tung ra tới 37 đường tạt bóng – xếp thứ 3 trong số 6 đội dẫn đầu về số lần tạt bóng trong một trận đấu. Mọi đường tạt bóng đều hướng tới vòng cấm, nơi Ronaldo là trung tâm hàng tấn công và được tạo điều kiện tối đa để tiếp cận khung thành. Dù vậy, mọi tình huống xâm nhập vòng cấm của thủ quân 39 tuổi đều bị trung vệ đối phương dễ dàng hóa giải.

Với những thống kê đáng thất vọng kể trên, thật khó hiểu khi Roberto Martinez vẫn cố chấp sử dụng Ronaldo. Ở trận ra quân tại EURO 2024, vị chiến lược gia 50 tuổi nhấn mạnh nếu “không có tình huống di chuyển thông minh” của Ronaldo, Francisco Conceicao sẽ không thể ghi bàn thắng quyết định trước Séc. Đến trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ, Martinez miêu tả pha kiến tạo của Ronaldo cho Bruno là “khoảnh khắc thuần túy, thể hiện lòng vị tha – điều luôn được đặt lên hàng đầu ở mọi học viện bóng đá tại Bồ Đào Nha”.

Không những vậy, sau giọt nước mắt của thủ quân tuyển Bồ Đào Nha sau khi đá hỏng phạt đền, vị chiến lược gia 50 tuổi nhấn mạnh đó là “điều đáng kinh ngạc với một cầu thủ đã trải nghiệm và giành mọi danh hiệu”. Martinez còn dành lời cảm ơn tới Ronaldo vì đã luôn quan tâm và là điểm tựa của tuyển Bồ Đào Nha.

Mặc cho những cảnh báo trước thềm EURO 2024, Martinez vẫn cố chấp sử dụng Ronaldo và giờ đã phải trả giá đắt. Đây là bài học đắt giá để vị chiến lược gia 50 tuổi nhìn nhận lại, từ đó xây dựng tập thể tuyển Bồ Đào Nha không còn phụ thuộc vào thủ quân 39 tuổi ở những giải đấu quốc tế tiếp theo.

Nguồn: Laodong.vn