Phản xạ của thủ môn Mert Gunok của Đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ ở phút cuối trận gặp Áo tại vòng 1/8 EURO 2024 được đánh giá là pha cứu thua xuất sắc của giải đấu tính đến thời điểm này.
Pha cứu thua xuất sắc nhất
Thủ môn là 50% sức mạnh của đội bóng, người ta vẫn nói vậy và họ có thể đóng góp lớn với một pha cứu thua được ví như “không khác gì một bàn thắng”. Nhiều lần người ta thấy, những cú sút mạnh như búa bổ nhưng lại không thể thắng được thủ môn, trong khi có đường sút vừa phải nhưng lại đủ khó để thành bàn thắng. Chính vì thế, cản phá những cơ hội, những cú dứt điểm “hiểm”, bất ngờ, ở thời khắc quan trọng luôn là cảm xúc đặc biệt với các thủ môn.
Tính đến thời điểm này của EURO 2024, nhiều thủ môn đã có những pha cứu thua xuất sắc, nhưng pha bóng nào là xuất sắc nhất? Sau trận đấu giữa Áo và Thổ Nhĩ Kỳ vào rạng sáng 3.7 – cũng là trận cuối cùng của vòng 1/8, có lẽ, đa phần đồng tình rằng, thủ thành Mert Gunok của Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu pha bóng đó.
Đó là phút 90+5, khi Tuyển Áo đang điên cuồng tìm bàn gỡ. Bóng được treo bổng vào khu vực 5m50 và Christoph Baumgartner xuất hiện, đánh đầu, bóng đập đất, hướng vào khung thành. Nhưng Gunok phản xạ cực nhanh, đẩy bóng ra ngoài. Tỉ số 2-1 được giữ vững và Thổ Nhĩ Kỳ giành vé vào tứ kết.
Không hề tình cờ
Theo Matt Pyzdrowski, huấn luyện viên và cựu thủ môn hiện là chuyên gia về phân tích thủ môn cho trang The Athletic, đó là một pha cứu thua đáng kinh ngạc gợi nhớ đến pha cản phá mang tính biểu tượng của thủ môn Đội tuyển Anh, Gordon Banks trước Pele ở World Cup 1970. Ông khẳng định, không hề phóng đại khi nói đây là một trong những pha cứu thua hay nhất từng thấy.
Cách Gunok lao ngược lại và cứu quả bóng nảy ra khỏi bề mặt ướt đẫm, trong một khoảnh khắc quan trọng như vậy, được đánh giá là “đáng kinh ngạc”. Nhưng cũng theo Pyzdrowski, mức độ nhận thức bản năng trong pha cứu thua của Gunok không hề do tình cờ mà chỉ có thể được xây dựng trong thời gian dài. Các chuyển động và tương tác mà Gunok thực hiện khi ném mình về phía quả bóng chỉ có thể được thực hiện do đã dành nhiều thời gian trên sân tập; kết quả của việc đặt mình vào đúng vị trí vào đúng thời điểm hết lần này đến lần khác.
Khi quả bóng bay lên cao, Gunok đầu tiên xoay người, sau đó dịch chuyển 3 bước qua khung thành, giữ đầu và mắt tập trung vào quả bóng phía trên mình. Điều này rất quan trọng vì trong tích tắc, nó giúp anh đánh giá đường bay và quỹ đạo của quả bóng, đồng thời dự đoán điểm đến cuối cùng của nó. Nếu do dự dù chỉ một khoảnh khắc, đó sẽ là một bàn thắng.
Không mất nhiều thời gian để Gunok nhận ra rằng, anh không thể bắt trái bóng ngay trên không nên nhanh chóng quan sát khu vực phía trước và thấy Baumgartner đang ở một mình ở cột sau. Khi quả bóng vẫn còn ở trên không, Gunok quyết định rời mắt khỏi nó và nhìn vào điểm va chạm dự đoán của Baumgartner.
Nghe có vẻ lạ khi một thủ môn rời mắt khỏi quả bóng, nhưng đó là lý do chính khiến Gunok có thể thực hiện được pha cứu thua này.
Bằng cách dự đoán điểm va chạm, anh cho phép mình nhìn thấy quả bóng trong toàn bộ đường bay của nó, giữ cho chân gần như tiếp xúc liên tục với mặt đất và căn thời gian tiếp cận một cách hoàn hảo, giúp anh chuẩn bị chính xác thời điểm để hành động. Nếu để mắt đến quả bóng và cố gắng phản ứng sau khi đã có điểm chạm, thì khó có khả năng chạm bóng kịp thời, ngay cả với phản xạ tuyệt vời của anh.
Rất nhiều thông tin phải xử lý trong khoảng thời gian rất ngắn, Gunok phải đưa ra nhiều lựa chọn – di chuyển, đặt chân tạo sức bật… Điều khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn với Gunok ở thời điểm này chính là cách bóng đi đến khung thành. Khi một quả bóng nảy, nó không còn là quả bóng có đường đi có thể đoán trước được nữa mà là một quả bóng có thể đổi hướng và thay đổi độ cao sau khi nảy.
Việc cứu thua rất giống các bàn thắng ở chỗ ý nghĩa và giai đoạn thực hiện quyết định mức độ vĩ đại của nó. Nếu pha cứu thua của Gunok trước Áo được thực hiện trong bất kỳ trận đấu nào thì nó sẽ không được khắc sâu vào lịch sử. Nhưng khi nó ở phút bù giờ cuối cùng và đưa đội nhà đi tiếp, nó lại trở nên đặc biệt hơn nhiều.
Nguồn: Laodong.vn