Khi Liên đoàn bóng đá châu Á đã bắt đầu việc điều tra về các vấn đề cấp phép ở Malaysia, đó là lời cảnh báo với VFF và V.League.
Bóng đá Việt Nam có thể sẽ vướng vào một vấn đề khác khi ở tình thế “nước đến chân mới nhảy”, nhưng không còn kịp nữa.
Như thông tin Lao Động đã đưa, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) thông báo, Ban cấp phép của AFC đã mở cuộc điều tra đối với Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM), với lý do từ tình trạng các câu lạc bộ nợ lương cầu thủ từ hệ thống giải vô địch quốc gia đến cấp thấp hơn diễn ra trong thời gian dài.
Đương nhiên, đó là một thông điệp, một lời cảnh báo đến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Giờ không còn là lúc “giơ cao đánh khẽ” nữa.
Phải nói rằng, trong bất kỳ quy tắc nào cũng có ngoại lệ. “Ngoại lệ” được hiểu là cái nằm ngoài cái chung, ngoài những thứ thông thường. Thế nhưng, khi chuyện “ngoại lệ” diễn ra từ năm này sang năm khác – trong nhiều năm, thì đột nhiên, ngoại lệ lại trở thành điều “thông thường”.
Vẫn biết rằng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn muốn hành động hướng đến mục đích đảm bảo những điều kiện tốt nhất có thể cho công việc chung mà đôi khi bỏ qua cho các câu lạc bộ một số tiêu chí. Trong ngắn hạn thì được, nhưng để kéo dài, đó thực sự là vấn đề.
Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ hết vấn đề, nhưng câu chuyện giải quyết dứt điểm lại rất ít. Từ phát triển bóng đá trẻ (một tiêu chí quan trọng với các câu lạc bộ) cho đến yếu tố tài chính, từ cơ sở vật chất cho đến hoạch định cho tương lai… bóng đá Việt Nam, như nhiều vấn đề khác, khi vẽ ra “tầm nhìn” luôn đẹp nhưng bắt tay vào làm, ở nhiều thành tố liên quan, thì lại giống như “không phải việc của mình”.
Và khi việc ngoại lệ xảy ra từng năm, việc đưa ra án phạt cũng “xong rồi để đấy”, sự nương nhẹ từ VFF có thể sẽ làm hại chính họ, ở thời điểm nào đó. Như kiểu “làm ơn, mắc oán” vậy.
Giống như chuyện người trong gia đình không có uy với con cái, cần phải nhờ đến tác động từ người ngoài, việc AFC mạnh tay có lẽ sẽ hỗ trợ VFF phần nào trong việc hành động quyết liệt hơn.
Ví dụ như chuyện 3 câu lạc bộ ở V.League sử dụng chung sân Hàng Đẫy, sự quyết liệt từ AFC buộc VFF và các đội phải đẩy nhanh việc giải quyết.
Cũng vậy với các vấn đề cấp phép trong tương lai, giả sử AFC có đồng ý (hoặc trong vài năm tới chưa “sờ gáy” bóng đá Việt Nam, tự bản thân mỗi đội bóng phải tìm cách giải quyết các vấn đề của mình.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao nhiều đội bóng gặp khó trong việc kêu gọi tài trợ? Vì bóng đá Việt Nam đâu đã phải là “sản phẩm giải trí” để các doanh nghiệp “nhìn thấy” cơ hội để đầu tư, quảng bá và phát triển!?
Khi bóng đá còn đặt nặng thành tích (để báo cáo), còn mang trong mình lối chơi bạo lực, ăn thua, không biết giữ chân cho đồng nghiệp, không coi bóng đá là cuộc chơi giải trí, lấp đầy một bên khán đài 4 mặt đã khó chứ nói gì đến tạo doanh thu từ bán vé và các sản phẩm liên quan.
Trong vài năm nữa (thời gian để chuẩn bị – coi như làm lại), VFF có dám mạnh tay với các câu lạc bộ không đảm bảo các tiêu chí? Ngược lại, các câu lạc bộ cũng cần có ý thức chuyên nghiệp để không trở thành nguyên nhân kéo bóng đá Việt Nam chậm lại và rơi vào rắc rối.
Nguồn: Laodong.vn