Không một mùa giải nào trong 3 năm gần đây, Ban cấp phép Liên đoàn bóng đá Việt Nam không phải đặc cách cho một số câu lạc bộ tham dự V.League mùa kế tiếp.
Thế khó của đội bóng Hải Phòng
Như thông tin mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đăng tải đại chúng cách đây 2 tháng, 6 đội bóng không được tham dự các giải đấu cấp châu Á (do Liên đoàn bóng đá châu Á tổ chức) mùa 2024-2025 gồm Thể Công Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, Hải Phòng, TPHCM, Bình Định và Khánh Hòa.
1 tháng sau, tại cuộc họp xét cấp phép cho câu lạc bộ tham dự V.League mùa tới, 2 trong số các đội bóng kể trên là Hải Phòng và Bình Định tiếp tục nằm trong diện cấp phép có điều kiện kèm biện pháp phạt. Hai câu lạc bộ này phải sớm gửi tài liệu chứng minh đáp ứng tiêu chí tài chính (F.04).
Theo thông báo của VFF lúc bấy giờ, nếu quá thời hạn 15.7, tức là cách đây hơn nửa tháng, câu lạc bộ nào không hoàn thiện hồ sơ sẽ bị Ban cấp phép xem xét thu hồi giấy phép.
Cho đến hiện tại, VFF chưa thông báo thêm về việc Hải Phòng và Bình Định đã hoàn tất các thủ tục hay chưa. Song, câu chuyện tương tự về việc xin cấp phép ngoại lệ hoặc thêm thời gian để hoàn tất thủ tục vốn không chỉ diễn ra cá biệt ở mùa giải năm nay.
Điệp khúc “đến hẹn lại xin” thực tế đã diễn ra từ mùa giải này đến mùa giải khác. Trong đó, Hải Phòng là cái tên nằm trong nhóm câu lạc bộ thường xuyên xin cấp phép ngoại lệ để được dự V.League.
Ngược thời gian trở lại trước V.League 2023, Hải Phòng từng bị điểm mặt chỉ tên. Đội bóng đất Cảng nằm trong nhóm 4 câu lạc bộ không đáp ứng đủ tiêu chí tham dự giải vô địch quốc gia khi ấy (thêm Hoàng Anh Gia Lai, Thanh Hóa, Thể Công Viettel).
Lúc bấy giờ, Hải Phòng phải cam kết lộ trình hoàn thiện tiêu chí cấp phép bắt buộc (tiêu chí đào tạo trẻ). Nhưng bước sang mùa giải tiếp theo, đội chủ sân Lạch Tray vẫn không thể đáp ứng một cách trọn vẹn.
Hứa mãi để làm gì?
Thực tế, việc đội bóng Hải Phòng xin cấp phép ngoại lệ không phải câu chuyện mới. Ngoài 2 mùa giải 2023 và 2023-2024, đội bóng đất Cảng đã nhiều lần hứa hẹn nhưng không thể thực hiện trong các năm trước đó.
3 năm qua, việc xây dựng các tuyến trẻ của câu lạc bộ Hải Phòng chưa hoàn thiện. Nên nhớ, với kinh phí chủ lực khoảng 50 tỉ đồng dựa vào ngân sách thành phố cho tất cả hạng mục vận hành đội bóng trong 1 mùa giải, Hải Phòng vốn dĩ cũng chẳng thể chiêu mộ được những cầu thủ giỏi.
Nội lực hạn chế, tài chính không quá rủng rỉnh, đội chủ sân Lạch Tray luôn rơi vào tình thế khó khăn về nhân sự từ mùa này qua mùa khác.
Lại nói về câu chuyện nhân sự, thực tế, trước khi V.League 2022 khởi tranh, Hải Phòng phải “vắt chân lên cổ” để hoàn thành hồ sơ cấp phép trực tuyến đúng thời hạn.
Họ kịp thời gửi giấy tờ thỏa thuận đền bù với Mpande cho Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và chứng minh tính khả thi trong thanh khoản món nợ 17,7 tỉ đồng với Chi cục Thuế thành phố Hải Phòng. Nhờ đó, đội bóng mới kịp hoàn thiện tiêu chí cấp phép và đủ điều kiện tham dự V.League 2022.
Cần nói thêm, Hải Phòng không phải là câu lạc bộ duy nhất rơi vào thế xin cấp phép ngoại lệ liên tục trong thời gian qua.
Câu lạc bộ Bình Định cũng là trường hợp đã phải xin tới 2 lần trong 3 mùa giải gần nhất. Trước thềm V.League 2022, Sông Lam Nghệ An và Bình Định vốn bị khiển trách và chỉ được cấp phép ngoại lệ kèm biện pháp phạt.
Cả hai cũng không đủ tiêu chí để được cấp phép tham dự giải đấu cấp AFC năm 2022. Trước mùa giải năm nay, Bình Định một lần nữa nằm trong nhóm các đội không đáp ứng tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp.
Trong bối cảnh AFC ngày càng thắt chặt khâu vận hành của một câu lạc bộ chuyên nghiệp, bản thân Ban cấp phép VFF cũng không thể cứ dùng biện pháp ngoại lệ cho những đội bóng muốn tham dự V.League hay cao hơn là đấu trường AFC.
Trong trường hợp tiếp tục tái diễn ở mùa giải kế tiếp, chưa chắc, Hải Phòng, Bình Định hay một vài đội bóng khác của Việt Nam có thể xuất hiện ở V.League.
Nguồn: Laodong.vn