Đoàn thể thao Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tự tin hướng đến mục tiêu phấn đấu giành huy chương tại kỳ Olympic Paris (Pháp) 2024.
Từ Việt Nam tới Paris, Pháp
Trong Lễ xuất quân của Đoàn thể thao Việt Nam vào tối 17.7 tại Hà Nội, ông Đặng Hà Việt – Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic 2024 – cho biết: “Đến lúc này, công tác chuẩn bị cho các tuyển thủ dự Olympic đã và đang hoàn tất”.
“16 tuyển thủ góp mặt ở Olympic Paris 2024 là những người có kết quả tốt trong nội dung của mình. Khi đã thi đấu Olympic thì cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng cũng như quyết liệt và từng Đội tuyển thể thao Việt Nam tập trung cao độ nhất để tuyển thủ của mình giữ được một tâm lý ổn định và nỗ lực cao nhất”, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt nói thêm.
Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 đã được tổ chức vào năm 2021 trong giai đoạn thể thao thế giới bị giới hạn đáng kể bởi dịch bệnh COVID-19. Sau đó, thể thao Việt Nam mới thật sự có những hoạt động chuyên môn trở lại từ năm 2022. Nghĩa là ngành thể thao Việt Nam có 2 năm chuẩn bị để hướng đến khát vọng chinh phục Paris.
Thêm một lần nữa, thể thao Việt Nam chưa thể vượt qua con số từ 20 tuyển thủ trở lên dự đấu trường Olympic. Nhưng mục tiêu phấn đấu có huy chương cũng phản ánh một phần rằng chúng ta đi Paris 2024 là không dạo chơi.
Bắn cung, bắn súng và cử tạ
Tuyển thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (bắn cung) cùng chung cảm xúc rằng: “Chúng tôi rất vinh dự khi được thi đấu Olympic Paris 2024. Lúc này, cả hai đang tập trung để tập luyện nỗ lực nhất trước tranh tài”.
Đưa phân tích thực tế, ông Đặng Hà Việt cho biết, chúng ta chờ khả năng bứt phá của tuyển thủ môn là bắn cung, bắn súng, cử tạ để hy vọng tranh chấp huy chương Olympic Paris 2024. Ở đây, chúng ta hiểu rõ là sự hy vọng chứ không đặt ra mục tiêu chắc thắng 100%.
Việt Nam sẽ dự ba nội dung của môn bắn cung gồm cá nhân cung một dây nữ (Đỗ Thị Ánh Nguyệt), cá nhân cung một dây nam (Lê Quốc Phong) và đôi nam – nữ cung một dây. Trong bắn súng, chúng ta được thi đấu ba nội dung là 10m súng ngắn hơi nữ, 25m súng ngắn thể thao nữ (Trịnh Thu Vinh), 10m súng trường hơi nữ (Lê Thị Mộng Tuyền). Cử tạ chỉ dự một nội dung là 61kg nam (Trịnh Văn Vinh).
“Đây là ba môn xác định kết quả về định lượng, tính chính xác chuyên môn. Nói về tính chính xác, định lượng thì tuyển thủ đã phải tích lũy qua từng giai đoạn thi đấu và tập luyện chuyên môn. Chính vậy, khả năng về điểm số và định lượng thành tích của tuyển thủ đã được ban huấn luyện nắm rõ. Hy vọng từng người sẽ đạt đúng khả năng của bản thân” – Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt nói thêm.
Nội dung 10m súng ngắn hơi nữ có 44 xạ thủ tham dự Olympic Paris 2024 còn 25m súng ngắn hơi nữ là 40 người trong khi 10m súng trường hơi nữ là 43. Để có được thành công, ít nhất Thu Vinh, Mộng Tuyền phải vượt qua vòng loại để có tên trong 8 xạ thủ tốt nhất thì mới có suất dự chung kết. Ở hạng 61kg cử tạ nam, 12 lực sĩ mạnh nhất thế giới trong hạng cân sẽ tranh tài và chỉ ba người có kết quả tổng cử cao nhất mới nhận huy chương Olympic Paris 2024.
Trẻ, mới nhưng tự tin
Huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Học của đội judo Việt Nam chia sẻ, tuyển thủ Hoàng Thị Tình lần đầu dự Olympic nhưng không vì thế mà tâm lý của tuyển thủ lo lắng. Lúc này, Hoàng Thị Tình rất tự tin sẵn sàng vào tranh tài ở Pháp. Huấn luyện viên Nguyễn Thanh Hương của Đội tuyển điền kinh Việt Nam bày tỏ, học trò Trần Thị Nhi Yến là gương mặt trẻ nhất dự Olympic Paris 2024 nhưng rất tin tưởng sẽ vượt được thông số chuyên môn của bản thân.
“Lần đầu được thi đấu Olympic là vinh dự cho cá nhân tôi. Tôi quyết tâm có được kết quả vượt thông số tốt nhất của mình trước đây” – Nhi Yến trao đổi.
Thể thao Việt Nam đã chọn Lê Đức Phát (cầu lông), Nguyễn Thị Thật (xe đạp) là người cầm cờ trong Lễ khai mạc Olympic Paris (Pháp) 2024. Từng người họ có dấu ấn chuyên môn của mình tại các giải trong nước và một số giải quốc tế. Lần đầu tiên Thật và Phát được dự Olympic. Họ không thiếu khát vọng chinh phục cuộc đấu tại Paris (Pháp).
Vận động viên Trịnh Văn Vinh (cử tạ)
Vừa qua, tôi đã có chuyến tập huấn 4 ngày tại Trung Quốc. Thực tế, thời gian 4 ngày quá ngắn nên chưa thể đạt mức phong độ tốt nhất, nhưng từ đây đến khi sang Pháp, tôi sẽ nỗ lực để đạt được trạng thái ổn định, sẵn sàng chinh phục Olympic.
Tại Thế vận hội sắp tới, mục tiêu chính của tôi là chiến thắng bản thân, cố gắng thi đấu hơn khả năng của mình. Song song với yếu tố chuyên môn, tôi vẫn luôn rèn luyện bản lĩnh và tâm lý thi đấu, kết hợp với chương trình tập luyện của huấn luyện viên. Tôi đã quen với cảm giác thi đấu quốc tế, không cảm thấy sợ bất kỳ đối thủ nào. Mặc dù họ hơn mình về thành tích, nhưng khi thi đấu với họ thì cạnh tranh sòng phẳng, không có gì phải sợ cả.
Hiện tại, chấn thương của tôi đã hồi phục khoảng 80-85%. Nếu muốn hồi phục hoàn toàn thì cần thời gian nghỉ ngơi dài hơn. Song, với thời gian tập luyện khá gấp gáp thì tôi sẽ cố gắng để duy trì thử lực, thể trạng ở mức tốt nhất. Sắp tới khi thi đấu, tôi có thể sẽ phải dùng giảm đau, nhưng thành phần thuốc giảm đau này không có thành phần doping.
Nguyễn Thùy Linh (cầu lông)
Trong 2 năm qua, từ những giải đấu quốc tế mà tôi tham dự, tôi đã tích lũy phần nào kinh nghiệm, học hỏi từ các bạn bè trên thế giới, các vận động viên hàng đầu để hoàn thiện kỹ năng và nâng cao trình độ bản thân.
Tại Olympic Paris 2024, tôi đã thấy bảng bốc thăm của mình. Tất nhiên, không thể nói trước được điều gì bởi các vận động viên dự Olympic đều là những đối thủ mạnh. Nhưng với tôi, đây là cơ hội khá tốt bởi vì nhánh đấu của tôi không khó như kỳ Olympic trước. Tôi sẽ cố gắng hết sức để có được kết quả khả quan.
Tôi cảm thấy biết ơn người hâm mộ, những người đã theo dõi mình trong thời gian qua. Tôi thấy mình không còn cô đơn và sẽ nỗ lực để mang niềm vui đến cho mọi người.
Lê Đức Phát (cầu lông)
Điểm mạnh của tôi là chiều cao và sức mạnh, tấn công tốt, còn điểm yếu là bản thân cao to nên sự linh hoạt kém, không bằng đối thủ khác. Thời gian qua, ban huấn luyện chủ yếu cho tôi cải thiện điểm yếu, khắc phục bằng cách tập luyện rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, tôi thấy phong độ của bản thân khá ổn.
Olympic là đấu trường cao nhất của thể thao thế giới, quy tụ tất cả các vận động viên mạnh nhất nên việc mình có mặt tại đó là niềm vinh dự. Khi trình độ của mình có sự chênh lệch thì tâm lý mình luôn xác định nằm ở thế “cửa dưới”, từ đó thi đấu hết sức như thể không còn gì để mất, không quan tâm đến quá nhiều thứ nữa. Hiện tại, tâm lý tôi khá thoải mái.
Tôi đã xem bảng bốc thăm của Liên đoàn Cầu lông thế giới. Ở bảng của tôi có tay vợt Ấn Độ – Prannoy H.S và tay vợt Fabian Roth của Đức. Hai tháng trước, tôi đã gặp vận động viên Đức một lần ở Ba Lan và giành chiến thắng nên hy vọng sắp tới cũng là một kết quả tốt. Còn tay vợt tới từ Ấn Độ có đẳng cấp rất cao, từng đạt hạng 6 thế giới. Tôi mong bản thân sẽ thi đấu thật tốt trước đối thủ này. Việc có vượt qua vòng bảng hay không còn phải nhờ một chút may mắn nữa.
Nguồn: Laodong.vn