Sự thay đổi của Man United nhìn từ thương vụ Leny Yoro

Chính sách chuyển nhượng cầu thủ của Man United bước đầu đã có sự thay đổi sau khi chiêu mộ thành công Leny Yoro từ Lille.

Sự thay đổi của Man United nhìn từ thương vụ Leny Yoro
Leny Yoro là bản hợp đồng thứ hai của Man United trong hè này. Ảnh: Manchester Evening

Việc Manchester United chiêu mộ thành công hậu vệ 18 tuổi Leny Yoro với giá 52 triệu bảng là một bước ngoặt trong nỗ lực thiết lập lại chính sách chuyển nhượng của họ. “Quỷ đỏ” muốn biến sự quyết đoán thành nguyên tắc chỉ đạo mới tại Old Trafford dưới thời chủ sở hữu thiểu số Sir Jim Ratcliffe.

Lần đầu tiên sau khoảng thời gian dài, Man United đã đánh bại một đối thủ lớn để giành được chữ ký của một tài năng trẻ sáng giá. Real Madrid và PSG đều nỗ lực trong hè này để chiêu mộ Yoro, nhưng không đội nào sẵn sàng chi nhiều tiền cho một cầu thủ chỉ còn 1 năm hợp đồng. Yoro thậm chí đã bày tỏ mong muốn chuyển đến Madrid khi hợp đồng đáo hạn vào hè năm sau.

Tuy nhiên, sự kiên trì và việc sẵn sàng chi một khoản tiền lớn của Man United đã thuyết phục thành công Lille. Bản thân Yoro cũng tin rằng, Old Trafford và Premier League sẽ là điểm đến hoàn hảo cho giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp.

Man United thể hiện một sự quyết tâm lớn trong việc chiêu mộ Leny Yoro.  Ảnh: MUFC
Man United thể hiện một sự quyết tâm lớn trong việc chiêu mộ Leny Yoro. Ảnh: MUFC

“Quỷ đỏ” đã chiêu mộ rất nhiều tài năng trẻ trong những năm gần đây, nhưng không cầu thủ nào trong số đó là mục tiêu của các “ông lớn” khác. Jadon Sancho (73 triệu bảng), Antony (80,9 triệu bảng) và Rasmus Hojlund (72 triệu bảng) đều đến Old Trafford với mức phí cao mặc dù Man United không có đối thủ cạnh tranh rõ ràng nào.

Ngược lại, những nỗ lực ký hợp đồng với Erling Haaland và Jude Bellingham trong mùa giải 2019-2020 từ Salzburg và Birmingham City đều không thành công. Man United không thể thuyết phục bất kỳ cầu thủ nào tin rằng, họ là lựa chọn tốt hơn Dortmund.

Với trường hợp của Yoro thì khác. “Quỷ đỏ” không chỉ chiêu mộ thành công mà còn hoàn tất một cách nhanh chóng, thay vì để các cuộc đàm phán kéo dài đến tháng 8. Trong những năm gần đây, câu chuyện chuyển nhượng của họ luôn đi kèm với sự hỗn loạn.

Vậy điều gì đã thay đổi? Ratcliffe chỉ muốn Man United nhắm đến những tài năng trẻ hàng đầu và hành động nhanh hơn để hoàn tất các thương vụ. Tỉ phú người Anh không muốn lãng phí ngân sách vào những cầu thủ lớn tuổi cùng mức lương cao ngất ngưởng.

Ratcliffe không muốn thấy những sai lầm như thương vụ Antony lặp lại tại Man United.  Ảnh: AFP
Ratcliffe không muốn thấy những sai lầm như thương vụ Antony lặp lại tại Man United. Ảnh: AFP

Sự thay đổi của Man United có thể bắt nguồn từ cuộc kiểm toán do nhóm INEOS của Ratcliffe thực hiện gần một năm trước. Trong thời gian dài thẩm định kỹ lưỡng tình hình tài chính của Man United, Ratcliffe đã giao nhiệm vụ cho các cố vấn cấp cao bao gồm Sir Dave Brailsford, Rob Nevin và Jean-Claude Blanc đánh giá 5 năm chuyển nhượng vừa qua tại Old Trafford.

Theo truyền thông Anh, cuộc kiểm toán đã xác định được tình trạng chi tiêu quá mức và sự thiếu quyết đoán dẫn đến phí chuyển nhượng tăng cao của Man United. Ngoài ra, chính sách gia hạn hợp đồng của họ cũng không hợp lý khi mục đích chỉ để tránh một cầu thủ ra đi tự do.

Nói tóm lại, đội hình của Man United là hệ quả của cách làm bóng đá sai lầm khi nhiều cầu thủ đáng lẽ phải ra đi cách đây 2 hoặc 3 năm.

Nguồn: Laodong.vn