Hành trình tại Olympic 2024 chỉ ra những việc thể thao Việt Nam cần phải làm ngay.
Kì Olympic không huy chương
Tại Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam có 16 vận động viên góp mặt, trong đó 2 vận động viên tham dự theo diện đặc cách ở môn bơi và điền kinh. Đây là con số thấp nhất kể từ Olympic London 2012 cho đến nay.
Mục tiêu mà đoàn thể thao Việt Nam đặt ra ở kì Thế vận hội diễn ra tại Pháp năm nay là phấn đấu có huy chương. Dẫu vậy, các vận động viên của Việt Nam đã khép lại hành trình tại Pháp mà không mang về tấm huy chương nào.
Niềm hi vọng đoạt huy chương lớn nhất dành cho cô xạ thủ Trịnh Thu Vinh nhưng nhìn chung, trình độ của cô gái người Thanh Hóa với các vận động viên hàng đầu thế giới vẫn có khoảng cách rất lớn. Thu Vinh vào chung kết cả 2 nội dung tham dự nhưng chỉ về thứ 4 nội dung 10m súng ngắn hơi và thứ 7 ở nội dung 25m súng ngắn thể thao.
Trong khi đó, ở môn cử tạ, lực sĩ Trịnh Văn Vinh thậm chí không nâng thành công bất kì mức tạ nào và bị loại ngay sau phần thi cử giật.
Ở các bộ môn khác, Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông) không vượt qua vòng bảng, Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing) không thể tiến vào vòng tứ kết, Nguyễn Huy Hoàng (bơi) đứng ngoài top 20 cả hai đợt bơi vòng loại các nội dung 800m tự do và 1.500m tự do…
Dù không giành được huy chương nhưng một số vận động viên được kì vọng đã thể hiện tốt, vượt qua được chính mình.
Việc phấn đấu có huy chương của thể thao Việt Nam thực chất là đợi chờ vào khoảnh khắc tỏa sáng của cá nhân nào đó. Trịnh Thu Vinh là điểm sáng hiếm hoi của Việt Nam ở Olympic 2024.
Ở lần đầu tham dự Thế vận hội, xạ thủ sinh năm 2000 đã thể hiện tốt, vượt lên chính mình. Nhưng để làm được như Hoàng Xuân Vinh thì cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để hướng tới Olympic 4 năm sau.
Trong khi đó, niềm hi vọng tiếp theo là Trịnh Văn Vinh cũng không thi đấu tốt. Tôi cho rằng, lí do bởi lực sĩ này có 2 điểm hạn chế khi đến với Olympic Paris 2024. Thứ nhất là Văn Vinh vừa trải qua 4 năm bị cấm thi đấu.
Trong thời gian đó, anh không thể tham dự giải đấu nào nên bị hạn chế về tâm lí thi đấu, trạng thái và thành tích chuyên môn. Thứ hai, Văn Vinh gặp rào cản tâm lí vì chấn thương. Trong buổi xuất quân, anh chia sẻ mới chỉ đạt 80% thể lực. Tôi nghĩ đó là những rào cản khi Văn Vinh bước vào thi đấu.
Như vậy, sau cú đột phá đoạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Brazil 2016, thể thao Việt Nam liên tiếp trắng tay khi không có tấm huy chương nào ở Olympic Tokyo 2021 và Olympic Paris 2024.
Tiếp tục chú trọng các môn mũi nhọn
Thành tích xạ thủ Hoàng Xuân Vinh năm 2016 là cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam. Vì vậy, trong những lần tham dự Thế vận hội tiếp theo, chúng ta kì vọng vào những tấm huy chương. Nhưng đừng quên rằng những lần trước đó, Việt Nam cũng chỉ có huy chương bạc và đồng.
Từ số lượng vận động viên tham dự cho đến thành tích, có thể thấy các môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam chưa phát huy hiệu quả tại đấu trường Olympic. Vận động viên ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia hay Philippines có thành tích do họ được đầu tư mạnh mẽ liên tục, từ đó có sự ổn định về mặt thành tích.
Câu chuyện không huy chương của thể thao Việt Nam ở Olympic 2024 cần được nhìn nhận một cách toàn diện, để từ đó rút ra những bài học cho tương lai, trong đó có việc tiếp tục đầu tư trọng điểm, tìm ra bộ môn mũi nhọn giành huy chương ở đấu trường Olympic.
Đầu tư trọng điểm sẽ liên quan tới nhiều vấn đề, trong đó việc phân định rạch ròi vai trò của các nhà quản lí, tài chính, đầu tư cho vận động viên đi tập huấn để cọ xát, tìm huấn luyện viên hoặc chuyên gia có chuyên môn cao…
Trước mắt, chúng ta đang chuẩn bị dần cho SEA Games 33 ở Thái Lan vào năm 2025. Ở kì Đại hội năm sau, thể thao Việt Nam cần tiếp tục chú trọng vào những vận động viên, những môn nằm trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD.
Sau đó, chúng ta tiếp tục sàng lọc, đưa họ vào nhóm vận động viên trọng điểm để đầu tư cho mục tiêu lâu dài.
Nguồn: Laodong.vn