V.League bao giờ mới có chuyện mua, bán cầu thủ?

Thể Công Viettel muốn bán Hoàng Đức, nhưng liệu có đội bóng nào ở V.League sẵn sàng cho một cuộc chuyển nhượng?

V.League bao giờ mới có chuyện mua, bán cầu thủ?
Tiền vệ Hoàng Đức sẽ chuyển nhượng tự do sau khi hết hợp đồng với Thể Công Viettel. Ảnh: VPF

Từ chuyện của Thể Công Viettel

Vài ngày trước, câu lạc bộ Thể Công Viettel cho biết họ sẵn sàng chuyển nhượng Hoàng Đức trước khi V.League 2024-2025 khởi tranh. Họ hiểu rằng không thể giữ chân ngôi sao do mình đào tạo, khi hợp đồng giữa đôi bên sẽ hết hạn vào đầu năm 2025.

Thể Công Viettel muốn bán Hoàng Đức, nhưng điều này có thực hiện được hay không lại phụ thuộc nhiều yếu tố.

Thị trường chuyển nhượng bóng đá chuẩn mực quốc tế quy định rõ ràng về sự đồng thuận 3 bên. Nghĩa là, ngoài Thể Công Viettel ở vai trò bên bán, thương vụ này chỉ xảy ra khi có sự xuất hiện của bên mua. Điều quan trọng không kém nằm ở quyết định đi hay ở của Hoàng Đức.

Và đáng tiếc, tiền vệ này không có nhu cầu chuyển nhượng dang dở như vậy, nhất là khi anh đã đồng ý một thỏa thuận có giá trị lên đến 30 tỉ đồng với một đội bóng khác – vốn sẽ kích hoạt ngay sau khi anh hết hợp đồng với Thể Công Viettel.

Nhiều người nói rằng Thể Công Viettel phải tự trách mình, bởi họ không nhanh chóng bán Hoàng Đức ở thời điểm anh vẫn còn hợp đồng dài hơi. Nhưng đặt một câu hỏi sâu xa hơn, rằng ngay cả khi đã ở thời cơ chín muồi, đội bóng áo lính có thật sự muốn đưa Hoàng Đức lên thị trường chuyển nhượng?

Lật giở quá khứ, ít nhất 2 lần Thể Công Viettel có thể bán Hoàng Đức để đổi lại một mức phí chuyển nhượng cao. Theo lời kể của chính tiền vệ này, cách đây 3 năm, Pathum United (Thái Lan) từng muốn có anh nhưng Thể Công Viettel từ chối.

Sau đó 1 năm, Daejeon Hana Citizen (Hàn Quốc) sẵn sàng giải phóng hợp đồng cho Hoàng Đức với mức phí đền bù lên đến 10 tỉ đồng. Song, đội bóng áo lính và tiền vệ này quyết định gia hạn thêm 2 năm.

Mua bán ở V.League chưa bao giờ dễ dàng

Câu chuyện của Hoàng Đức và Thể Công Viettel cũng là một thực tế dễ thấy ở V.League. Những thương vụ mua bán ở giải đấu số 1 Việt Nam nếu có chỉ dừng lại ở ngưỡng đội A mua lại hợp đồng (còn lại) của cầu thủ mà bên B đang sở hữu.

Tuy nhiên, trường hợp này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói như vậy để thấy, chuyện hai câu lạc bộ V.League cùng ngồi vào bàn đàm phán, đưa ra phí chuyển nhượng xoay quanh gương mặt mà đôi bên quan tâm khó xảy ra, ít nhất là cho đến hiện tại.

Một yếu tố cốt lõi dẫn đến việc chuyển nhượng ở V.League theo diện mua bán sòng phẳng chưa thể xảy ra như quốc tế là tính sở hữu cao của các câu lạc bộ.

Nên nhớ, Hoàng Đức phải chờ tới tận 27 tuổi mới chia tay Thể Công Viettel. Những Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng… cũng rời Hoàng Anh Gia Lai khi đã 26, 27 tuổi!

Những điều khoản xoay quanh việc cống hiến cho câu lạc bộ đào tạo vô hình trung trói buộc nhiều cầu thủ Việt Nam tới năm 25-26 tuổi. Sông Lam Nghệ An – lò đào tạo trẻ hàng đầu V.League cũng chỉ đồng thuận để cầu thủ rời đi ở độ tuổi 23.

Đồng nghĩa rằng, bản thân các cầu thủ Việt Nam vốn đã mất từ 5-8 năm không thể tham gia chuyển nhượng chuyên nghiệp. Trong khi đó, đại đa số các cầu thủ quốc tế đều đã có thể chuyển từ câu lạc bộ này sang đội bóng khác khi tròn tuổi 18.

Ở một góc độ khác, việc chuyển nhượng của V.League diễn ra không dễ dàng – đến từ chính tâm lí của các cầu thủ và đội bóng. Họ thường có xu hướng đối thoại song phương. Khi ấy, đội bóng muốn sở hữu chỉ mất tiền lót tay và lương cho cầu thủ, thay vì phải trả thêm một khoản phí nữa cho câu lạc bộ đối tác.

Với chính các cầu thủ, họ cũng chưa sẵn sàng để trở thành một phần của chuyển nhượng 3 bên. Đa số cầu thủ Việt Nam có thói quen thông qua người môi giới để làm việc với một câu lạc bộ khác khi hợp đồng với đội bóng chủ quản sắp kết thúc. Đổi lại, họ mặc định sẽ nhận được một khoản lót tay vài tỉ đồng/năm.

Thực tế, câu chuyện ở V.League cũng là một phần so với chuyển nhượng bóng đá quốc tế, nhất là với những thương vụ chuyển nhượng cầu thủ tự do.

Nhưng nếu nó trở thành một guồng quay lặp đi lặp lại ở nhiều đội bóng, nhiều mùa giải thì sự đứt gãy của dòng tiền sẽ hiện diện. Câu lạc bộ đào tạo nên cầu thủ giỏi không thể có phí chuyển nhượng mà họ vốn dĩ đáng được hưởng.

Dòng tiền phát triển V.League từ mua bán không xảy ra, vô hình trung, đội bóng mất đi 1 khoản thu đáng kể từ chuyển nhượng, bên cạnh bản quyền truyền hình và quảng cáo.

Nguồn: Laodong.vn