Liên tiếp những bản hợp đồng với lót tay từ 8, 9, 10 tỉ đồng/năm xuất hiện trước mùa giải V.League 2024-2025.
Kỉ lục về lót tay liên tục bị phá vỡ
Chỉ trong vòng hơn 20 ngày, thị trường chuyển nhượng V.League chứng kiến 3 thương vụ đình đám, với kỉ lục về tiền lót tay dành cho cầu thủ liên tục bị phá vỡ.
Đầu tháng 7, khi mùa 2023-2024 chưa khép lại, Hà Nội FC đã thông báo giữ chân Phạm Tuấn Hải với bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Để nhận được cái gật đầu của chân sút sinh năm 1998, ngoài việc đồng ý tạo điều kiện xuất ngoại, Hà Nội FC ước chừng cũng chi ra khoảng 8 tỉ đồng/năm tiền lót tay cho Tuấn Hải.
Với 24 tỉ đồng/3 năm, Tuấn Hải thời điểm đó trở thành cầu thủ nhận lót tay cao nhất lịch sử V.League. Con số này cao gấp rưỡi so với mốc 16,5 tỉ đồng mà Bùi Hoàng Việt Anh nhận được tại Công an Hà Nội.
Nhưng kỉ lục của Tuấn Hải cũng nhanh chóng bị xô đổ vào ngày 18.7. Câu lạc bộ Công an Hà Nội cũng chi ra khoảng 26-27 tỉ đồng để Quang Hải tiếp tục ở lại tối thiểu đến hết năm 2027.
Cựu vương V.League không muốn mất đi cầu thủ giá trị nhất trong đội hình của mình. Việc thuyết phục Hải “con” gắn bó thêm ít nhất 3 năm cũng khiến Công an Hà Nội phải móc hầu bao một số tiền lớn.
6 ngày sau khi Quang Hải lập kỉ lục về lót tay, Hoàng Đức lại tạo một cột mốc mới. Dù chưa chính thức rời Thể Công Viettel, nhưng tiền vệ sinh năm 1998 được cho là nhận một khoản tiền lót tay lên đến 30 tỉ đồng/3 năm từ một ông bầu.
Theo một số nguồn tin, cầu thủ này có thể đến chơi cho một câu lạc bộ phía Bắc ngoài thủ đô Hà Nội.
Coi chừng loạn giá
Chuyện các câu lạc bộ giữ chân hoặc chiêu mộ bằng những khoản lót tay khổng lồ với Hoàng Đức, Quang Hải hay Tuấn Hải là điều có thể hiểu được, nếu đối chiếu mức sàn chuyển nhượng của V.League trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Việc 4 câu lạc bộ Công an Hà Nội, Nam Định, Bình Dương và Bình Định liên tục tham gia mạnh mẽ vào thị trường mua sắm cầu thủ, với những thương vụ đình đám mang tên Văn Lâm (13 tỉ đồng/3,5 năm), Văn Toàn (11 tỉ đồng/2 năm), Văn Hậu (11 tỉ đồng/2 năm), Việt Anh (16,5 tỉ đồng/3 năm) vô hình trung tạo mặt bằng giá trị chuyển nhượng với các ngôi sao hạng A của V.League lên mức 4-5 tỉ đồng/mùa.
Nhìn vào thực tế hiện tại, một cầu thủ tầm trung đã dao động ở ngưỡng 1,5 – 2 tỉ đồng/năm. Phần đông các cầu thủ chơi bóng ở V.League hiện tại nằm trong nhóm trung bình khá đến khá, nhận 3-4 tỉ đồng/năm.
Nên nhớ, con số này từng tạo nên những thương vụ đình đám cách đây 12-14 năm về trước. Thời điểm đó, Công Vinh từng tạo cú áp phe chuyển nhượng với mức 13 tỉ đồng/3 năm khi chuyển từ Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC) sang câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của bầu Kiên.
Phước Tứ cũng bỏ túi 12 tỉ đồng/3 năm từ Thanh Hóa đến Sài Gòn Xuân Thành, hay Mạnh Dũng cũng nhận con số tương đương khi chia tay Thanh Hóa để tới The Vissai Ninh Bình.
Quả thực, sự trượt giá của đồng tiền sau hơn 10 năm có thể nhìn từ chính lăng kính lót tay, chế độ đãi ngộ mà các cầu thủ được nhận. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, liệu những ngôi sao V.League hiện tại có thật sự tương xứng với số tiền lót tay ấy?
Nhìn lại mùa giải năm ngoái, Hoàng Đức lọt vào đội hình tiêu biểu với nhiều tranh cãi sau màn trình diễn thất vọng, chứ chưa nói đến việc phá kỉ lục về lót tay trong lần đầu chuyển nhượng của bản thân.
Quang Hải có thể bỏ túi hơn 40 tỉ đồng sau 2 lần chuyển nhượng tại câu lạc bộ Công an Hà Nội. Song, so với chính anh của cách đây 6 năm, giá trị của Hải “con” phần nào đó đã tụt lại.
Một vấn đề đáng lo hơn là những gương mặt này tăng rất ít hoặc thậm chí không tăng trên thị trường chuyển nhượng quốc tế. Định giá bởi Transfermarkt với Hoàng Đức, Tuấn Hải hay Quang Hải cũng chỉ dao động ở ngưỡng 400 – 500.000/Euro trong 2-3 năm trở lại đây.
Và đương nhiên, những câu lạc bộ Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu cũng không thể trả một con số lên đến hàng chục tỉ đồng cho các cầu thủ đến từ Việt Nam, khi đa phần lực lượng họ đang sở hữu có trình độ cao hơn thế.
Nguồn: Laodong.vn